Ước mơ lớn của “ông trùm cà-phê” đất bắc

Ong-nguyen-xuan-thao-1231x700

Đến thành phố Sơn La, hỏi ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà-phê Bích Thao, ai cũng có thể đưa bạn đến trụ sở HTX nằm tại xã Hủa La, gặp gỡ người đàn ông bé nhỏ, giản dị, khiêm nhường nhưng được mệnh danh là “ông trùm cà-phê” đất bắc.

Hơn 30 năm “ăn ngủ” cùng hạt cà-phê Sơn La cũng là từng ấy năm người đàn ông này không ngừng trăn trở việc làm thế nào để cà-phê giúp người dân nơi đây thực sự thoát nghèo, và làm thế nào để đưa cà-phê Sơn La vươn ra thế giới.

Sự thấu hiểu, yêu thương và ước mơ nâng tầm hạt cà-phê là bí quyết giúp sản phẩm của một HTX nhỏ bé với vỏn vẹn 11 hộ nông dân buổi ban đầu thành lập vinh dự trở thành sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia.

Giữa núi rừng trùng điệp, trong mùa hoa cà-phê Sơn La trổ bông trắng muốt khắp sườn đồi, nhấp một ngụm cà-phê sánh nâu thơm lừng mùi hương hoa, thảo mộc, chúng tôi đắm chìm trong câu chuyện về cà-phê của người đàn ông đã dành cả tuổi trẻ của mình với cây cà-phê.

Ông Nguyễn Xuân Thao kể, Sơn La có hệ thống núi non trùng điệp, bao quanh các thung lũng, cao nguyên, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ nên rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà-phê. Do đó, cách đây nhiều năm, người Pháp đã mang hạt cà-phê Arabica (cà-phê chè) – thứ cà-phê có giá trị cao hơn nhiều lần cà-phê Robusta (cà-phê vối) đến Sơn La để trồng như một cây giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Cà-phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các triền đồi, với độ cao từ 900m đến 1.200m so với mực nước biển. Chính điều này tạo lên hương vị cà-phê Arabica đặc trưng của hoa quả, thảo mộc, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, cùng vị ngọt hậu kéo dài êm ái. Cà-phê sau khi pha chế có màu nâu cánh gián, trong trẻo, đẹp mắt, được thị trường thế giới ưa chuộng. 

Đến nay, với diện tích trên 20.000 ha, trong đó khoảng 19.300 ha cà-phê Arabica, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà-phê Arabica lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt khoảng 350.000 tấn quả tươi.

Cà-phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các triền đồi, với độ cao từ 900m đến 1.200m so với mực nước biển. Chính điều này tạo lên hương vị cà-phê Arabica đặc trưng của hoa quả, thảo mộc, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, cùng vị ngọt hậu kéo dài êm ái.

Nếu so với các loại nông sản khác, việc bán cà-phê xô với giá 25 nghìn đồng/kg nhân xanh cũng mang lại cho bà con dân tộc Thái nơi đây đủ cơm ăn áo mặc, tuy nhiên, giống như nhiều loại nông sản khác, hơn 70 năm “bén rễ” trên đất Sơn La cũng là chừng đó thời gian, cây cà-phê phải đối diện với những lúc thị trường bấp bênh.

Vì thế, ông Thao nhận ra rằng, nếu muốn nâng cao giá trị của cây cà-phê cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng thì cần phải chuyển đổi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm. Nghĩ là làm, ông đã bắt tay vào hành trình đi tìm con đường giúp nâng tầm giá trị cho cà-phê Sơn La, giúp người dân không còn bị phụ thuộc vào thương lái như trước.

One thought on “Ước mơ lớn của “ông trùm cà-phê” đất bắc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *